Thư gửi ngày 09/9/2012 từ Hà Nội

Thân gửi các em yêu quý của cô,

Hôm nay là Chủ Nhật ngày 9 tháng 9 – con số rất đẹp, cô đi dạo quanh Hà Nội về và cô muốn viết lại cho các em những ấn tượng của cô trong 2 ngày vừa rồi.

Sáng hôm qua nhiều bạn từ miền Nam đã ra đến Hà Nội để tham gia buổi họp mặt cuối cùng của LHS Slovensko hay như Sơn, Chủ tịch Hội LHS Slovensko 82 ở VN hay nói, cuộc Hội ngộ cuối cùng ở Hà Nội.

Vào buổi trưa cô đi ăn cùng với một số em tại một nhà hàng tuyệt đẹp ở ngay hồ Hoàn Kiếm. Đó là một bửa tiệc giống như tiệc cưới, chứ không chỉ là một bửa trưa thông thường. Cô và mọi người ăn nhiều, uống nhiều, mặc dù ai cũng biết là chỉ vài giờ nữa là đến bửa tiệc tối của Hội LHS Slovensko 82.

Gần tối cô và các bạn đến từ miền Nam đi 2 xe taxi từ khách sạn Bình Minh ở trung tâm thành phố đến một nhà hàng sang trọng nằm ngay Hồ Tây, lúc đến nơi đã thấy một số bạn khóa 82, ngoài ra còn một số lưu học sinh khóa 81 và cả một số bạn khác đã học đại học ở Tiệp từ xưa hơn. Tổng cộng có khoảng 40 người, thực sự là một nhóm đông rôm rả nói chuyện bằng đủ mọi thứ tiếng trên đời.

Và điều ngạc nhiên thú vị với cô là hai đồng nghiệp cũ, cô Thắng và thầy Hùng cũng tham dự. Cô Thắng trước kia dạy tiếng Slovencina với cô, còn thầy Hùng trước đây là Trưởng bộ môn tiếng Czech. Cô Thắng hoàn toàn không thay đổi gì cả, vẫn luôn luôn điềm tĩnh, ít nói và cô rất vui được gặp lại cô Thắng.

Giống như thường lệ, mỗi bạn mà cô chưa gặp đều đến nói với cô cái câu quen thuộc “Xin lỗi em đã quên tiếng Slovakia mất rồi” và sau đó là họ bắt đầu nói lẫn lộn các thứ tiếng Slovakia, Czech, Việt Nam, tiếng Nga và tiếng Anh.

Các bạn gái Băng Thanh và Thúy lo phần kỹ thuật để kết nối với các bạn ở nước ngoài. Suốt buổi các bản nhạc tiếng Tiệp và tiếng Anh được phát ra và cô thích nhất là lúc tất cả cùng nhau hát những bài dân ca Tiệp Khắc mà mọi người còn nhớ được. Với các bạn trai thì bài “Nedaleko od Trencina” là bài hát được yêu thích nhất, nhưng Ái và Phú cũng hát đi hát lại một bài hát tiếng Czech “Tình yêu, em cũng hay đổi thay giống như nước chảy giữa đôi bờ”. Cô không biết các bạn học được ở đâu nhưng các bạn vẫn còn nhớ bài hát này.

Suốt bửa ăn tối mọi người ăn rất nhiều, uống rượu vang Tiệp Khắc, bia, và mọi người đều rất vui, nói chuyện và cười đùa suốt buổi. Khoảng hơn 10 giờ đêm thì mọi người chia tay ra về, cô cùng các bạn trở về khách sạn và cô nghĩ là một số bạn vẫn còn tụ tập vui chơi đến gần sáng.

Cuộc Hội ngộ 82 ở Hà Nội đã được tổ chức chu đáo như bạn Cường người Sài Gòn nhận xét. Cuộc gặp mặt được tổ chức đúng vào ngày tất cả các em cùng rời Hà Nội lên đường đi Tiệp Khắc, và kể từ ngày đó thế giới bắt đầu thay đổi đối với các em.

Sáng nay mọi người lại gặp nhau vào lúc 8:30 ở sảnh khách sạn và cả hội lên một chiếc taxi lớn đi thăm trường Đại học Ngoại ngữ. Trên đường về lại trường cũ cô thấy tất cả đều thay đổi, những ngôi nhà mới, những cây cầu mới, rất nhiều công trình xây dựng dang dở, ở phía này thành phố cô còn nhìn thấy đường được xây trên cao nữa, rất giống những con đường vành đai ở Bắc Kinh để giúp cho giao thông được nhanh hơn.

Dọc đường xe của cả nhóm đã bị công an chận lại và anh lái xe đáng thương đã phải trả tiền phạt. Cô không biết lái xe đã phạm lỗi gì, nhưng như nhiều lần cô đã nói là ở Hà Nội rất ít thấy công an và quân đội, vì thế nên lúc lái xe bị công an phạt Phú đã đùa cô là xe bị chận lại để cho cô được nhìn thấy công an Việt Nam. Cô có thể nói là công an Việt Nam có quân phục mới rất đẹp màu kem, nhưng khi họ chận xe lại thì vẻ mặt rất nghiêm trọng và có vẻ rất kiên quyết trong xử phạt lái xe.

Trường Đại học Ngoại ngữ của chúng ta, nơi cô trò mình đã cùng dạy và học, cũng có thay đổi chút ít, nhưng các tòa nhà ký túc xá của các em năm xưa vẫn còn đó. Các “cô bé” và “cậu bé” tìm lại được tòa nhà ngày xưa các em ở, ít nhất từ phía ngoài tòa nhà ấy không khác gì cả. Thầy Hùng và cô Thắng cũng đến cùng với cô và các bạn. Thầy Hùng tổ chức chụp ảnh rất bài bản, và khi ra lệnh cho hai đồng nghiệp cũ và lũ sinh viên cũ thầy Hùng có lẽ lại phần nào cảm thấy mình lại là “cấp trên” như xưa…

Cô cùng cô Thắng đến thăm tòa nhà D3 nơi ngày xưa lớp Slovencina đã từng học chỉ một năm, không phải tòa nhà D2 các em học hồi xưa, bởi tòa nhà ấy hôm nay lại đóng cửa. Cô có cảm giác rất lạ khi đứng trước phòng học cũ, đứng trước phòng giáo viên, nơi ngày xưa cô đã dạy, và cô nhớ đến cảm giác lạnh lẽo trong những ngày đông tháng giá khi lớp học không có cửa sổ. Cô đứng trong lớp học, viết phấn lên bảng đen, một số học sinh không có sách giáo khoa và không có cả vở nữa. Mỗi năm cô về nghỉ hè xong lại mang sang một số sách giáo khoa để phát cho các em. Nhưng điều gì là đáng nhớ nhất trong ngôi trường này? Đó chính là các em, những học sinh thân yêu của cô, các em đã luôn chăm chỉ, nỗ lực hết sức mình và các em học thật xuất sắc. Cô càng khâm phục các em hơn khi cô biết các em sống trong những điều kiện kham khổ đến thế nào ở ký túc xá của trường.

Tất nhiên cũng đã có một số thay đổi ở trường Đại học Ngoại ngữ. Giờ đây trường đã có sân bóng đá mới, nhà ăn mới, một tòa nhà 5 tầng khang trang dành cho Ban Giám Hiệu, một tòa nhà cao với những phòng học dành cho sinh viên.

Thật đáng tiếc là cô không được gặp lại thày Trưởng Khoa, nghe nói thầy ốm nặng và vợ thầy không cho phép ai được đến thăm thầy. Cô luôn nhớ đến thầy Trưởng Khoa với một lòng kính trọng sâu sắc. Thầy trước dạy học ở Liên Xô, ở thành phố Leningrad, nay gọi là Saint Petersburg. Thầy nói tiếng Nga rất giỏi, và khi tất cả giáo viên nước ngoài họp với thầy mỗi tháng một lần thì thầy chỉ nói tiếng Nga và tiếng Việt, còn cô làm phiên dịch cho thầy khi thầy nói chuyện với các giáo viên khác không biết tiếng Nga.

Khi các thầy cô than phiền về một số thiếu sót ở trường thì cô nhớ có một lần thầy đã trả lời “Các bạn hãy về nhà, hãy lên giường đi ngủ như là người Tiệp và sáng mai thức dậy như một người Việt Nam. Không ai mời các bạn đến đây, các bạn đã tự lựa chọn đến Việt Nam”.

Nói thật với các em, lúc ấy cô chỉ là một cô giáo trẻ 28 tuổi, chẳng chút kinh nghiệm, cô chẳng hiểu thầy nói gì nữa. Phải sau một thời gian khá dài cô mới dần dần hiểu ra điều thầy muốn nói. Câu nói này của thầy cô luôn ghi nhớ trong lòng và mỗi khi có dịp cô đều nhắc lại với những học sinh nước ngoài của cô ở trường đại học. Thật là một câu nói chí lý của một người thầy thông thái. Sẽ không bao giờ có một đất nước nào nơi bạn đến lại thay đổi để phù hợp với bạn, chỉ có bạn phải bắt đầu học ngôn ngữ, hiểu văn hóa của đất nước ấy, và dần dần bạn cố gắng sống giống như những người dân địa phương của đất nước ấ mặc dù điều đó có thể rất rất khó và đòi hỏi nhiều kiên trì và nỗ lực. Cô nghĩ rằng các em hiểu rất rõ điều cô muốn nói bởi tất cả các em đều đã sống một thời gian dài ở nước ngoài, một số bạn đã trở về Việt Nam nhưng vẫn còn rất nhiều bạn cho đến nay vẫn còn sống ở nước ngoài.

Cô cũng có ấn tượng mạnh với chuyến đi thăm nhà cô Thắng. Cô Thắng mời cô và các bạn đến thăm nhà cô và cô thật sự ngạc nhiên khi thấy cô Thắng giờ đây ở trong một ngôi nhà 4 tầng tuyệt đẹp ngay trong khuôn viên trường. Một ngôi nhà xinh xắn với mảnh vườn nhỏ. Cô còn nhớ ngày xưa cô Thắng ở cùng chồng và hai con trong một căn phòng nhỏ. Cô cảm thấy được niềm tự hào của cô Thắng cũng như sự thỏa mãn của cô khi có thể dẫn khách đi thăm ngôi nhà xinh đẹp của cô. Bây giờ cô Thắng không còn dạy học nữa vì ở trường Đại học Ngoại ngữ không còn bộ môn tiếng Czech và Slovakia, họ chỉ dạy tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Thái, là những ngoại ngữ mà sinh viên Việt Nam có cơ hội sử dụng khi du học.

Trên đường trở lại thành phố cô và các bạn đã dừng lại ít phút ghé thăm ngôi nhà cô đã từng sống ở Kim liên. Bảo Sơn rất tâm lý đã đi vào cùng với cô, bởi vì bạn biết rõ cô đã rất mong muốn được nhìn lại một lần nữa ngôi nhà số 6, trước khi lên đường về lại Slovakia, đặc biệt là căn phòng cô đã ở cùng các con trên tầng 1 trong lối vào thứ 2 của tòa nhà. Rất có thể ai đó trong các em sẽ hỏi, tại sao cô còn trở lại đó, chẳng phải cô đã vừa đến đó rồi sao. Đúng là cô đã đến đó ngay hôm đầu tiên khi đặt chân trở lại Hà nội. Phú đã đưa cô đến nhưng lúc đó tất cả các cánh cửa đều đóng kín bất chấp mong muốn của cô: chỉ xin được nhìn thấy 1 căn phòng nhỏ, nơi cô đã từng sống với Jakub và Nadia bé bỏng thân yêu. Tại đây, giữa lòng Hà nội này cô đã sống cùng 2 con suốt 4 năm thật tuyệt vời. Hơn thế nữa, cô luôn có linh cảm, rằng nếu cô được nhìn thấy căn phòng năm xưa, cô sẽ cảm nhận lại được niềm hạnh phúc lớn lao khôn xiết trong những khoảnh khắc xum vầy đầm ấm với 2 đứa con yêu dấu của mình.

Khi bước vào ngôi nhà số 6, cô nghĩ rằng Bảo Sơn đã không cảm thấy dễ chịu với ý định của cô muốn tìm và xin ai đó để mở cửa căn phòng ngày trước của cô (Kim liên giờ đã là 1 khách sạn), nhưng khi cô và bạn vừa từ thang máy bước ra một hành lang dài, cảnh tượng đổi thay kinh khủng đến ngỡ ngàng bỗng hiện ra trước mắt (những cánh cửa mới, cửa sổ mới, thang máy trước đây cũng không hề có ... cả Kim liên đã thay đổi ). Vậy mà đôi chân tự nó vẫn dẫn lối đưa cô lại căn phòng ngày nào với cánh cửa khép kín. Cô và Bảo Sơn đã đứng tần ngần trước "cửa nhà mình", Sơn chụp cho cô vài kiểu ảnh. Rồi một người đàn ông bước tới với dáng vẻ ngạc nhiên: những người lạ mặt kia đang làm gì trước phòng của anh ta - với cô mọi sự đều ngẫu nhiên nhưng sao thật may mắn? Rất có thể Jakub-ANJEL yêu dấu của cô đã kịp bay tới và sai khiến người đàn ông này để anh ta mở cửa cho cô được "về nhà" dù chỉ là một giây lát nhìn qua. Chẳng còn gì hết, hết thảy mọi thứ đều thay đổi, không một chút gì còn mảy may gợi nhớ tới căn phòng ngày nào ngoài cái ban công trông xuống sân tenit, nơi trước đây vốn là sân chơi cho trẻ nhỏ, nơi lũ trẻ Kim liên thường tụ tập chơi đùa và dưới ban công nhà cô lúc nào cũng nhộn nhịp vui vẻ.

Kết cục là vậy đó, giờ thì cô có thể nói, rằng công cuộc tìm kiếm cái xe đạp nhỏ của Jakub đã kết thúc, chí ít cô đã cảm thấy như thế. Trong khi bay từ Sài Gòn ra Nha Trang, rồi ra Đà Nẵng và cuối cùng bay ra Hà nội, cô đã luôn nhìn thấy giữa những đám mây khuôn mặt tươi cười trìu mến của con trai mình như khi nó còn ngồi trên chiếc xe đạp nhỏ bé và đạp đi một cách mãn nguyện ..."

Cô không thích chia tay – nhưng hôm nay cô đã phải chia tay với các bạn miền Nam và miền Trung. Băng Thanh, Sơn, Thúy, Hà, Quang, Cường, Dung. Trong suốt thời gian qua cô đã quen với sự có mặt của các bạn, ít nhất thì cũng đã luôn được nói chuyện, gọi điện thoại hay SMS cùng các bạn. Cô đã luôn nhận được sự quan tâm của các bạn, lúc nào các bạn cũng mang đồ ăn cho cô, khi cần lại còn giặt đồ cho cô nữa, và chăm sóc cô như cô là một bà hoàng vậy, kết quả là cô đã lên 3 kg.

Ngày Chủ nhật cuối cùng ở Việt Nam cô ở Hà Nội. Buổi sáng cô đi cùng với các sinh viên và đồng nghiệp cũ, buổi chiều cô thả bộ trong phố cổ, lặng lẽ làm quen lại với phố phường, bởi vì như cô đã nói trước đây, phố cổ không thay đổi nhiều lắm và điều đó làm cô vui. Đây chính là Hà Nội cô đã từng yêu và ở đây cô cảm thấy hạnh phúc. Cô đi lang thang trên những con phố nhỏ đầy những cửa hàng ở hai bên, có thể mua bất kỳ thứ gì cô thích. Ở đây cô cũng biết mặc cả, và nếu như người bán từ chối giảm giá thì cô sẽ bỏ đi và ít phút sau giá đã được giảm một chút (không phải bao giờ cô cũng thành công, bây giờ không còn đơn giản như trước kia nữa). Ở đây có rất nhiều khách du lịch và những người bán hàng biết rằng họ có thể bán được ngay cả với giá cao.

Cô đã tìm được một quán cà-phê nhỏ rất dễ thương tên là “Little Hanoi” ở trên phố Hàng Gai ngay gần Hồ Hoàn Kiếm. Ở đây họ bán cà-phê Italy Lavazza rất ngon, sandwich cũng tuyệt vời và món salad rau và trái cây thì không chê vào đâu được.

Có một điều làm cô chưa hài lòng 100% trong chuyến đi này là cô vẫn chưa được đi xe đạp trên phố Hà Nội. Nhưng Phú đã nói với cô là không thể được, và cô đành phải đồng ý với Phú. Cô không thể tưởng tượng nổi cô sẽ đi xe đạp ra sao khi cô không nhìn thấy một chiếc xe đạp nào trên đường cả, phố phường đầy xe máy, xe ô-tô, xe bus, và tất cả là một sự lộn xộn không thể tin nổi. Cô hoàn toàn không thể hiểu nổi tại sao mọi người có thể biết được ai đi đâu và khi nào, ai rẽ trái hay rẽ phải. Mặc dù vậy vẫn không ai đâm vào người khác, cô chưa nhìn thấy một tai nạn nào ở Hà Nội và Sài Gòn cả, cho nên chắc sẽ tốt hơn nếu cô chỉ hài lòng 99% nhưng ít nhất cô cũng được an toàn và mạnh khỏe trở về nhà.

Cô chỉ còn 3 ngày cuối cùng ở Hà Nội thân yêu của cô. Cô dự định sẽ gặp chị Thanh, người bạn thợ may của cô một lần nữa. Chị Thanh ở ngay gần Hồ Hoàn Kiếm, may mà chị ấy không thay đổi địa chỉ, nếu không thì cô không thể tìm ra.

Cuối cùng thì cô cũng quyết định sẽ dành một ngày đi chơi Hạ Long, bởi vì cô vẫn mong được quay lại biển. Cô cũng biết rằng người Việt Nam hay nói là “chưa thăm Hạ Long là chưa đến Việt Nam”. Mặc dù cô đã đến Hạ Long nhiều lần rồi, nhưng cô vẫn mong được trở lại đó, nhất là nghe dự báo thời tiết ngày thứ Ba 11/9 trời sẽ nắng đẹp. Cô sẽ lại hy vọng rằng mặt trời sẽ không đi trốn khi cô đến đó. Bây giờ cô không còn quá trắng nữa, cô đã có màu da hơi ngăm ngăm của người Việt Nam rồi (mặc dù cô biết rằng ở Việt Nam da trắng được coi là đẹp).

Ngày thứ Tư cô sẽ chỉ còn chút thời gian để đóng gói hành lý, quà cáp và buổi tối Phú sẽ chở cô ra sân bay Nội Bài, ở đó cô sẽ lên chuyến bay đêm trở lại Châu Âu, nơi thời tiết đã chớm sang thu.

Hôm nay cô cảm thấy hơi buồn một chút, bởi cô vừa chia tay với các bạn miền Nam và cả những bạn khác đến với cuộc Hội ngộ Hà Nội. Tuy vậy cô rất tự hào về tất cả các em. Dù các em đang sống ở đâu trên thế giới này, các em đều là những người rất thành đạt, đều có công việc ổn định và một gia đình hạnh phúc, có nơi ở đẹp đẻ. Thực sự cô vô cùng hạnh phúc rằng cô đã được đi thăm tất cả các em và tất nhiên cô muốn cảm ơn tất cả các em một lần nữa, rằng chính các em đã đóng góp lại để cho cô có được chuyến đi tuyệt vời và đáng nhớ này.

Giờ đây cô xin tạm chia tay với các em một vài ngày, sau đó cô sẽ lại viết cho các em.

Cô ôm tất cả các em thật chặt.

Cô giáo Maja Vrabelova