Đường về nhà


Trường Đại học ngoại ngữ Hà nội trước đây
Trường Đại học ngoại ngữ Hà nội trước đây

  Có một bộ phim Trung Quốc nổi tiếng mang tựa đề này kể về con đường về nhà của một phụ nữ lớn tuổi quyết tâm đưa quan tài của chồng về quê chôn cất. Phim rất cảm động, làm rơi nước mắt của phần lớn người xem một phần nhờ tài nghệ của đạo diễn và diễn viên, nhưng hơn hết là vì cốt chuyện giản dị mà sâu sắc như chính bản thân chữ “NHÀ” trong tên phim. NHÀ trong suy nghĩ của mỗi người là một cái gì đó tuy mộc mạc, bình thường nhưng lại rất gắn bó, thiêng liêng. NHÀ luôn gắn liền với một phần đời nào đó của một người, có không gian sống và vật dụng, có nhiều người quen biết, nhiều kỹ niệm vui buồn, và có cả những niềm ước mơ, những điều trăn trở. Chúng tôi đã từng có một ngôi NHÀ như thế ở Thanh Xuân vào năm 81 – 82 khi học tiếng ở đó trước khi đi học đại học ở Tiệp. Hôm nay, sau 30 năm chúng tôi cùng nhau lại được về NHÀ và chúng tôi muốn ghi lại đoạn phim Đường Về Nhà này của riêng LHS khóa 82 chúng tôi.

  

Đường về NHÀ của chúng tôi hôm nay nắng dịu. Hà Nội chỉ sắp sửa bước vào thu mà hình như những cơn mưa cuối hè ngày hôm qua đã vội vã trút xuống sao cho Hà Nội hôm nay kịp quang đảng và xanh tươi để chào đón chúng tôi về NHÀ. Con đường từ trung tâm thành phố về NHÀ thật là đông đúc và nhộn nhịp với xe cộ và các công trình xây dựng mới như vẫn thường thấy ở các đô thị lớn. Huống chi đây lại là Hà Nội - thủ đô thân yêu, đang thay đổi từng ngày về hạ tầng cơ sở để xứng đáng với tầm vóc của một đất nước đang từng bước chuyển mình vươn lên trong hàng ngũ các nước đang phát triển Đông Nam Á. Chúng tôi thấy lòng quá đổi bồi hồi xen lẫn háo hức với ý nghĩ mình sắp được về NHÀ nhưng khi ngồi trên xe lại thanh thản ngắm nhìn phố xá lần lượt vụt qua trước mặt, cố gắng liên tưởng để so sánh với những hình ảnh của 30 năm về trước. Không phải là con đường xa xôi từ Ga Hàng Cỏ, trên một chiếc cà tàng chật chội chạy qua rất nhiều phố phường lạ lẫm với nhiều căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng thấy cả xe điện cũ kỹ chạy chậm rì và kêu leng keng, mà tôi đã đi 30 năm trước khi lần đầu tiên đến Hà Nội sau 4 ngày đi xe lửa từ Sài Gòn. Khác với tâm trạng hân hoan hôm nay, nỗi lo âu cứ canh cánh trong lòng tôi suốt cả đoạn đường năm ấy và càng lúc càng lớn dần lên khi tôi càng về gần đến Thanh Xuân – tôi lo không biết sẽ gặp ai, sẽ học như thế nào, sẽ sống ra sao, quay cuồng trong đầu tôi lúc ấy toàn là những dấu hỏi to tướng. 

 

Đoạn đường giữa Ngã Tư Sở và Thanh Xuân chắc đã từng rất quen thuộc với các bạn người Hà Nội, vì mỗi tuần các bạn đều đạp xe hai bận về thăm gia đình của mình. Tôi thì thường ở lại NHÀ vì chẳng phải đi đâu nhưng đoạn đường này tôi cũng đã có dịp đi qua mấy bận và vẫn nhớ những cảnh vật yên bình của nó. Tôi đã từng ngắm nhìn thích thú những dãy nhà cao 4 – 5 tầng với các cửa sổ có những ô kính vuông vuông cứ đóng im ỉm vào mùa đông (thời đó ở miền Nam thì cửa sổ thường mở toang và không có kính). Tôi vẫn nhớ đoạn xe cộ đông vui ở Ngã Tư Sở, đến đó là phải dừng chờ thật lâu và cả cái chợ Ngã Tư Sở tấp nập nữa. Còn bây giờ thì chẳng còn ai có thể nhận ra Ngã Tư Sở ngày xưa, nó đã được mở rộng ra và một cây cầu vượt (hay còn gọi là đường trên cao hoặc cầu cạn) to đùng đã được xây xong ở đó cùng với Trung Tâm Thương Mại hiện đại thay cho chợ Ngã Tư Sở cũng đang thành hình. Đường Nguyễn Trãi cũng rộng hơn rất nhiều với vô số cửa hàng và nhà mới đẹp hơn, nhưng 3 nhà máy Cao Su, Xà Phòng và Thuốc Lá (mà các bạn vẫn hay gọi tắt là Cao-Xà-Lá) thì vẫn còn nguyên ở đó, chỉ có điều là đã được cải tạo lại to hơn, mới hơn và có cả tên mới. 

 

Rồi chúng tôi về đến NHÀ – trường Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội nay đã đổi tên thành trường Đại Học Hà Nội. Nếu đi một mình và không biết tên mới của trường chắc tôi chẳng biết phải rẽ vào đâu để đến trường cũ. Khu đất trống ở con đường trước trường và hai vạt lúa ở hai bên con đường đất nhỏ dẫn vào trường đã biến mất, đoạn gần về trường giờ đây là phố xá sầm uất, còn đường vào trường thì đã là một con đường tráng nhựa phẳng phiu, hai bên là dãy nhà giữ xe và sân bóng đá. Vào Chủ Nhật nhưng trường không hề vắng, vẫn có khá đông các bạn sinh viên ra vào trường làm cho không khí nơi đây thật là sống động. Mặc dù không còn gì giống ngày xưa nhưng tôi như lại thấy mình đang đứng tần ngần ở đầu đường vào trường trong một buổi chiều mùa thu, tay lỉnh kỉnh túi xách, ngơ ngác nhìn xung quanh thấy sao mà vắng vẻ, nhà cửa chẳng có mấy, đằng xa bên vệ đường mới thấy có một hàng nước lụp xụp ánh đèn dầu tù mù bán chè xanh và kẹo lạc, 2 thức quà thông dụng ở Hà Nội thời ấy. Cái lạnh đầu tháng 10 của Hà Nội lúc đó đã làm cho tôi vô cùng kinh ngạc và cả một chút ê chề khi mà gia tài đồ ấm của mình chỉ vỏn vẹn là vài ba cái áo len mỏng.  

 

Rồi xe chở chúng tôi tiến thẳng vào bên trong cổng trường. Ngôi nhà thân yêu của chúng tôi đây, những dãy nhà D quét vôi vàng quen thuộc, những khung cửa sổ quen thuộc, con đường bên cạnh với những hàng cây cứ đến mùa thu lại trút đầy lá vàng quen thuộc. Quen thuộc như vậy mà chúng tôi đã từng xa nơi đây những 30 năm rồi sao? Thật khó tin nhưng chính thời gian đã làm nên điều đó. Dãy phòng học mới, hội trường mới, sân vận động mới và cả những em học sinh mặt mày lanh lợi, tự tin bây giờ cũng không ngăn cản được dòng ký ức xa xưa đang ùa về. Tôi như lại thấy một đám học trò vừa trai vừa gái đa số gầy gò, áo quần xuềnh xoàng nhưng mặt mày thông minh sáng sủa, tay ôm sách bước ra sau một buổi học ở nhà D2, và dù co ro trong tiết trời lạnh giá vẫn vui vẻ nói cười rộn vang suốt quãng đường về nhà D5 – khu phòng ở.

 

Chúng tôi đi qua dãy nhà xưa kia là nhà ăn – giờ thì là hội trường khang trang. Nó nhắc cho tôi nhớ lại những bửa ăn kham khổ - mỗi mùa chỉ độc một món như là khoai tây, bắp cải hay rau cải nấu với loại mỡ cừu viện trợ mà mùi đặc trưng của nó làm cho một số bạn không tài nào nuốt nổi. Nhưng chính những bửa ăn như vậy (cùng với nội lực tinh thần của chính bản thân) đã cho chúng tôi sức lực để vượt qua những tháng ngày học tiếng cam go gian khổ cho đến ngày có thể chạm tay vào giấc mơ vẻ vang được sống và học tập ở nước bạn văn minh.      

 

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà D5 hầu như không đổi. Giữa cái thời đại mà người ta mãi miết hết đập lại xây vẫn có một công trình nhà ở dân dụng thách thức với thời gian thì thật lạ. Vẫn là 4 tầng với các hàng lang trước mặt mỗi tầng, vẫn là cái cầu thang xi măng với đường dắt xe đạp ở giữa, vẫn là sàn xi măng loang lỗ, vẫn là các phòng ở đơn sơ với cửa ra vào bằng gỗ, thậm chí có cái còn nguyên cả miếng vá bằng tre đan từ ngày xưa, cả cái hộp điện treo ở đầu hành lang cũng còn nguyên như thế, gỉ sét bám đầy. Ngôi NHÀ như một người bạn trung thành, thủy chung chờ đợi chúng tôi trở về như thể nó không dám đổi thay dù rất nhỏ sợ chúng tôi quên mà không nhận ra nó nữa. Tôi như vẫn nghe tiếng gọi ríu rít của các bạn nữ rủ nhau đi ăn cơm, đi học, nghe tiếng đập cửa gọi lấy bánh mì mỗi tối của các bạn nam, nghe tiếng rao bánh rán nóng giòn hay xôi sắn thơm ngon của cô Ý, nghe tiếng thùng lấy nước loảng xoảng ở ngay phía dưới sau nhà D5 và nghe cả tiếng gió đập phành phạch vào cửa sổ với cánh cửa mỏng manh không có kính dán đầy giấy báo. Khoảnh sân trước nhà D5 vẫn như vậy với những tán cây mát rượi đã từng cho chúng tôi ngọn gió mát lành làm dịu đi cái nóng hầm hập trong mùa hè, cho chúng tôi khoảng trời trong xanh để thả những mơ mộng của tuổi trẻ bay cao.   

 

Chúng tôi đã được về NHÀ! Chúng tôi quả là những người may mắn. Có về lại nơi này chúng tôi mới trọn vẹn thấy rằng mình đã có một quãng thời gian thật quý báu trong cuộc đời và tất cả những gì thuộc về quãng đời đó đều rất đáng yêu đáng mến. Vậy nên dù có ở đâu, làm gì, các bạn hãy nhớ rằng chúng ta đã từng là người một NHÀ, đã từng có cùng chung không gian sống, phòng học, khoảng sân, cùng chung những nỗi khó khăn và những niềm mơ ước./.     

 

Hà Nội, 8 tháng 9 năm 2012

Võ Thị Cẩm Thúy