HÀNH TRÌNH VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH

 

      Nóc nhà Đông dương - Đỉnh Fansipan
Nóc nhà Đông dương - Đỉnh Fansipan

    Hẳn các bạn không lạ gì cái tên Fansipan và có thể đã từng một lần đến đó, tớ (Băng Thanh) không nghĩ mình là người đầu tiên nhưng tớ thực sự sung sướng vừa chinh phục nó với những trải nghiệm còn nóng hổi về những nỗ lực lớn lao để đạt tới chiều cao 3144,50m(*), một con số dài dòng vừa lạ hoắc vừa kỳ cục phải không?
    Hành trình chinh phục Fansipan của tớ được bắt đầu bằng việc làm quen với trang mạng: http://www.phuot.vn/threads/2385-Th%C3%B4ng-tin-v%C3%A0-kinh-nghi%E1%BB%87m-ph%C6%B0%E1%BB%A3t-Fansipan/page2
    Thời gian chuẩn bị không có nhiều nên tớ càng đọc càng lo lắng, đôi lúc xen vào cả cảm giác sợ hãi. Tuy nhiên ý nghĩ là tại sao mọi người vẫn đi, lớn bé già trẻ, nam nữ đủ cả, riêng mình lại không, đã thôi thúc tớ lên đường, tớ rất vui được chia sẻ với các bạn hành trình khám phá này, cái mà tớ đang viết ra đây, ai yếu sức hoặc yếu bóng vía có thể sẽ ... ngất.

    Đúng 9 giờ sáng, xe bắt đầu lăn bánh từ Sapa, đưa cả nhóm đến trạm Tôn, ở độ cao 1900m, điểm xuất phát của hành trình đầy cam go và thử thách. Hồ hởi, phấn chấn, hào hứng là cảm giác của tất cả mọi người khi bắt đầu. Đích đến đầu tiên là trạm dừng chân ở độ cao 2200m. Nghe qua tưởng chừng quá đơn giản, nhưng bắt đầu đi, thì cảm nhận về sự đơn giản đó dần dần tiêu tan. Chỉ có 300m độ cao thôi, nhưng mọi chuyện không giản đơn như mọi người đã nghĩ. Để có thể lên độ cao 2200 mét ấy, hành trình không chỉ là leo lên, mà ngược lại nhiều đoạn còn phải bò xuống, như hình dích dắc ấy, cứ lên rồi lại xuống, và không biết bao nhiêu lần, sau thời gian hơn 3 giờ, phải đến giữa trưa, quá 12g30, đoàn mới leo lên được độ cao 2200m, qua chặng đường gần 5km luồn rừng. Và đây là đoạn đường được coi là dễ nhất trong toàn bộ hành trình, tất cả mới chỉ là khởi đầu, mọi người mới chỉ vừa qua vạch xuất phát.

Chụp tại KS Lotus, Sapa trước khi ra xe đi Trạm Tôn:  (Sau) Thái, Nở, Hương, Sơn, Châu- (Trước) Hưng, Phương, Yến, Thanh
Chụp tại KS Lotus, Sapa trước khi ra xe đi Trạm Tôn: (Sau) Thái, Nở, Hương, Sơn, Châu- (Trước) Hưng, Phương, Yến, Thanh

    Nhóm tớ đi có tất cả 9 người, trong đó 8 người từ Sài gòn, và một cô bé ở Hà nội, đó  là một nhóm bạn chơi thân với nhau từ hơn 10 năm nay, đi đâu cũng có nhau, nhất là đi khám phá. Nhóm này cũng đã đi chinh phục Tây tạng ở độ cao 5200m, ở đó còn khắc nghiệt hơn Fansipan rất nhiều. Long, Dũng lúc đầu cũng đăng ký đi Fansipan, nhưng đến giờ chót không thu xếp được nên đành phải ở nhà. Các phụ nữ (các bà vợ trong nhóm) thì ngoài tớ ra, không ai đủ sức chiến đấu cả, họ đã đầu hàng luôn từ khi còn chưa ra khỏi nhà. Hai cô bé các bạn thấy trong ảnh đều là đàn em, dân tập tennis cùng mấy cậu em 7X, vẫn thường chơi trong nhóm với nhau.

Trạm Tôn cửa rừng/ chuẩn bị xuất phát: Sơn, Thanh, Yến, Hương, Phương, Nở, Thái, Châu, Kiên-SaPa
Trạm Tôn cửa rừng/ chuẩn bị xuất phát: Sơn, Thanh, Yến, Hương, Phương, Nở, Thái, Châu, Kiên-SaPa

     Phục vụ đoàn có 5 người, 4 baggage porter  và 1 hướng dẫn viên. Porter có nhiệm vụ gùi toàn bộ hành lý nặng, đồ ăn cho 4 bữa, và nước uống. Tính ra, mỗi porter gùi từ 25-30 kg đồ sau lưng, tuy nhiên họ khỏe lắm, đi băng băng, và vẫn còn dư sức để ứng xử với mọi tình huống dọc đường hoặc giúp đỡ ai đó ... Ngày đầu, tớ mặc bộ đồ xanh, và khi có mưa thì phải mặc áo mưa, ngày thứ hai thì mặc đồ nâu. Các bạn sẽ thấy trong ảnh một Băng Thanh khác lạ là vì áo quần te tua hết cả, chỉ có cắm mặt mà đi thôi, chả nghĩ ngợi gì, chẳng cảm hứng đâu mà làm điệu, trông dáng vẻ ấy không ai có thể tin là tớ sẽ chinh phục được Fansipan.

                      Đây là dân Profesional-2 phụ nữ Hmong gùi hàng
Đây là dân Profesional-2 phụ nữ Hmong gùi hàng

     Sau khi nghỉ ngơi, ăn trưa, đoàn tiếp tục chinh phục độ cao 2800m. và lại tiếp tục trèo đèo lội suối, leo lên, bò xuống, qua hết rừng xanh tới rừng khô, lại tới vách đá, qua hết đoạn bằng lại đến dốc dựng đứng, cái vòng xoay ấy cứ luẩn quẩn không biết bao lần và rất nhiều chặng buộc phải dừng nghỉ để lấy sức đi tiếp. Đoạn đường này cũng dài gần 5km, và cũng mất hơn 3 giờ lăn lê bò lết. Phải đến hơn 17g tối, đoàn mới đến được độ cao 2800 m. Đến đây thì không thể leo tiếp được nữa, phần vì trời tối, phần vì đói, khát và quá đuối sức sau cả ngày lặn lội trong rừng. Có trải qua chút ít mới thấy sức chịu đựng của bộ đội và TNXP trong chiến tranh xưa thật vô biên. Lý tưởng cách mạng, khát vọng sống hay bản năng sinh tồn khi đối mặt với cái chết? Cái gì trong số đó đã tạo ra sức mạnh? Người đi khám phá hôm nay chỉ mang trong mình một ước nguyện đơn sơ, đi cho biết, để trải nghiệm, đi để khẳng định mình, để tự huyễn hoặc mình rằng tuổi già còn chưa tới ... Đi để biết rằng trước khi đặt chân lên một đỉnh cao nào đó mình đã phải vượt qua bao con dốc và phải chinh phục những đỉnh cao vô hình ở ngay trong con người mình.

    Ngay từ ban đầu, khi bạn bè rủ đi Fansipan, cả tớ và Bảo Sơn (Bs) đã rất thích nhưng Bs phải đến giờ chót mới quyết định nổi. Đang lúc nhiều việc tự dưng lại nghỉ vài ngày cũng không dễ. Mọi người (nhóm đi ô tô xuyên Việt khởi hành từ SG ngày 26/9) đã quyết định leo Fansipan vào ngày 05 và 06/10, vậy mà trưa ngày 04/10, Bs mới chốt được lịch bay. tớ, Bs và Hưng (cậu em 7X chơi chung nhóm) đã có vé bay vào giờ chót, bay chuyến 16g ngày 04/10, đến Nội bài 18g chiều, rồi phi thẳng từ Nội bài đến ga Hàng cỏ, chỉ kịp ăn một chút lót dạ, để lên tàu Hà nội-Lào cai chuyến 20g30 ngày 04/10. Tàu chạy đêm, tớ và Bs nằm chung một chiếc giường đơn trên tàu, cả hai đứa cùng vật vờ, xoay bên nọ lật bên kia, lắc lư theo nhịp tàu đi với bao suy nghĩ miên man, lúc tỉnh khi mơ ... mất toi một đêm ngủ. Cũng chỉ tại vội vàng tớ đã mua vé tàu vào giờ chót, lên tàu phải mua vé bổ sung, nhưng trong hoàn cảnh ấy cũng không thể đòi hỏi gì hơn. Sáng sớm, chừng 5g, tàu đến Lào cai, ba đứa may mắn gặp ngay xe của nhà tour ra đón. Cả bọn lên đến Sapa chừng 6g30 sáng ngày 05/10, chỉ kịp đến khách sạn - chỗ nhóm đi ô tô đến trước đang nghỉ - thay đồ leo núi, thu xếp vé về, và mọi thứ râu ria, là lại đến giờ lên đường. Nhà tour dẫn cả bọn qua chợ làm tô phở gà Sapa, sao lúc ấy tớ thấy ngon thế không biết, cứ như thể miền xuôi không có phở gà. Chợ Sapa ngày nay dường như không còn giữ nổi nét văn hóa đặc trưng của chợ phiên vùng cao, sự có mặt thường xuyên và đông đúc của người miền xuôi đã làm cho nó trở nên nhạt nhòa và không dấu nổi những cung cách chạy đua kiểu "thị trường". Thật đáng buồn cho "Chợ tình Sapa" tớ nghe nói cũng chẳng còn "tình" như xưa nữa. Và cũng vì Fansipan đang chờ đón mà cả nhóm chẳng có nhiều thì giờ ở đây để "la cà" ...

"Mông" 100% "
"Mông" 100% "

    Fansipan ở độ cao 2800 m khi chiều xuống gần như chìm hẳn trong sương mờ. Bóng tối ập đến đem theo giá lạnh run người, trong lều tôn, dưới ánh sáng mỏng như lưỡi dao lam và xanh lét của đèn pin, bữa tối hiện ra khá hấp dẫn, các porter đã gùi đồ lên trước và nấu nướng. Cũng chỉ là bữa ăn dã chiến, đơn sơ trong rừng hoang, chẳng sơn hào hải vị gì nhưng mọi người ăn uống rất hào hứng. Riêng tớ không ăn được nhiều phần vì mệt quá, phần vì vẫn nhớ và thèm vị phở gà Sapa khi sáng. Nhóm tớ may mắn có lều, bữa đó sao rất đông khách du lịch, hình như tất cả mọi người đều nhằm ngày đó mà đi, nhiều đoàn khác chậm chân phải ngủ ngoài lều dã chiến dựng tạm giữa rừng. Ăn xong chả còn đèn đuốc gì, lạnh cóng và tối thui, nên cả bọn rúc vào túi ngủ. Tưởng đã yên thân nào ngờ hồi sau trời đổ mưa, mưa gõ từng trận dồn dập và dữ dội lên vách lên mái tôn chát chúa hòa âm với nước đổ như sông như thác bên ngoài. Mưa đuổi nhau quanh sườn núi, chạy từ đầu rừng đến cuối rừng để lại những khoảng lặng, nghe rõ những hợp âm hoang dã, âm u và rùng rợn của núi rừng. Nếu rừng ở đây có vắt thì đêm nay, eo ơi ... chúng sẽ đàn đàn lũ lũ kéo đến "thăm", chúng sẽ đánh chén no nê rồi khiêng "9 cái xác" quẳng ra ngoài cho nước mưa cuốn trôi xuống chân núi dưới kia. tớ  sau đêm mất ngủ trên tàu, tiếp tục thêm một đêm trăn trở trong mộng mị giữa mùi mồ hôi và ẩm mốc bốc lên từ sự dơ bẩn, chật chội của căn lều ... vậy là đi toi đêm thứ hai, một đêm cực dài với bao thao thức mỏi mòn ... cuối cùng thì trời cũng sáng.

2800m-vừa tới nơi
2800m-vừa tới nơi

    Sáng sớm, mới có 5g30 thôi, trời chỉ vừa tang tảng, xung quanh còn đầy sương phủ, rừng núi mịt mờ, mọi người đã bị dựng dậy để ăn sáng và chuẩn bị cho một ngày thứ hai còn vất vả hơn nhiều so với ngày đầu. Từ độ cao 2.800m lên đỉnh ở độ cao 3.143m phải đi 5 km đường rừng,  Như vậy là ngày thứ hai của hành trình đường vừa khó đi hơn (do đoạn từ 2800 lên 3143m rất hiểm trở, nhiều đèo cao, vực sâu, đường lại rất trơn do hậu quả của trận mưa đêm trước), vừa dài hơn nhiều (gấp đôi ngày thứ nhất, do ngày thứ hai sẽ phải đi tất cả 20km, trong khi ngày đầu tiên chỉ đi 10km thôi ), đó thực sự là thử thách ghê gớm với sức lực, ý chí và tinh thần của người đi, đặc biệt với khách ngũ tuần dân thành phố như Bt và Bs. 

     Khoảng 6g30 hơn một chút đoàn đã bắt đầu rời khỏi trạm 2800m. Những bước chân đầu tiên trong ngày này sao thật nặng nề, toàn thân xác rệu rã, bạc nhược đến từng tế bào ... và đôi chân liên tục kêu rên, van xin người đi hãy dừng lại khi còn chưa quá muộn. Phải thú thực, qua ngày thứ hai, tớ đã bắt đầu nhụt chí, cố đi mà không tin là mình có thể đến nơi, tớ phải chiến đấu rất ghê gớm với bản thân mới tiếp tục đua cùng mọi người sau cả một ngày trước rất mệt, và sau hai đêm hầu như không ngủ. Và cuối cùng tớ quyết định đi, để xem sức chịu đựng của mình đến đâu. Chả lẽ, đã mất bao công sức đến đây, lại đầu hàng dễ vậy sao?
Thanh, Sơn, Thái, Hưng, Yến
Thanh, Sơn, Thái, Hưng, Yến
    Hành trình leo lên đỉnh 3143m quả thật là rất gian nan, lại dốc cao vực sâu, lại bùn đất, vách đá, lại lê lết leo bò, càng lên cao dốc càng dựng đứng ... và lại thở gấp, thở dốc, thở hồng hộc, thở hổn hển ... lại tim đập loạn xạ, hối hả, nhiều lúc đập tưởng vỡ lồng ngực văng ra ngoài. Cứ thế hơn 3 tiếng đồng hồ, khoảng 9g30, ơn trời tớ cũng đã chạm đỉnh. Phải nói thêm tớ và Bs là tốp cuối cùng chạm đỉnh, vì cả hai quá đuối, do tuổi cao nhất "làng". Các bạn xem trong ảnh thấy cả tớ, Bs và mọi người đều mặc đơn sơ vì lúc đó trời không lạnh mấy, nhưng nói chung là có lạnh cỡ nào, thì sau khi đi một lúc cũng thấy quá nóng. Đỉnh Fansipan hôm đó phủ đầy sương mù (hoặc mây giăng dày đặc) nên chả quan sát được xa ra xung quanh. Hình chụp ra cũng mờ mịt và phải rất may mắn mới "chộp" được đỉnh trong khoảnh khắc quang mây.
Thanh - Thái  -  Sơn - Châu
Thanh - Thái - Sơn - Châu
    Cảm giác sung sướng khi vượt qua được chính mình, để chinh phục đỉnh cao còn đang ngùn ngụt chưa nguôi thì hành trình trở về đã ập đến xâm chiếm lấy tớ cả trong từng ý nghĩ và hơi thở. Giá mà được ngã nhào xuống và rơi vào cái võng đã giăng sẵn dưới kia thì sung sướng biết bao. 
3143m - mọi người đang vui
3143m - mọi người đang vui

    Nếu tớ nói là chặng về, tớ chỉ đi bằng đầu thì cũng không ngoa. Đó quả là sự thực, vì khi đi, đường khô ráo, sạch sẽ, nhưng khi về quả là thảm họa, vì đường cực kỳ trơn, đầy bùn lép nhép và nước mưa từ đêm còn đọng lại trong các chỗ trũng. Thế nên các bạn đừng ngạc nhiên khi thấy giầy dép, quần áo tớ, Bs trông khiếp như thế. Nhìn ở ngoài còn khiếp hơn nhiều ...

    Bao trùm lên tất cả và khủng khiếp hơn là cảm giác sợ hãi, vì lượt về, như tớ đã nói chặng đường sẽ rất dài. Sẽ phải đi tất cả là 15km (sau khi đã mất sức do đi 5km ban sáng) và phải ra khỏi cửa rừng trước khi trời tối, để kịp di chuyển từ Sapa đến Lào cai, rồi phải thật nhanh chuẩn bị hành lý còn để ở khách sạn, phi ra xe cho kịp chuyến tàu Lào cai - Hà nội lúc 20g15 cùng ngày. Mấy việc đó phải làm nhanh giữa chốn "rừng xanh núi đỏ" này quả thực không hề dễ dàng.
    Các bạn hãy thử hình dung, chặng đi (từ 1900m lên 3143m) cần thời gian là 9 tiếng, và mất một ngày rưỡi, thì chặng về chỉ còn 7 tiếng, và sẽ là từ 11giờ cho đến 18giờ tối, kể cả nghỉ ngơi và ăn trưa. Đó quả thực là thử thách cực kỳ khó khăn, là áp lực khắc nghiệt cả về thời gian lẫn sức khỏe và thể lực. Porter của cả nhóm là 4 nam thanh niên, tầm 20-30 tuổi (trong Album ảnh thì không có ai cả, vì lượt đi họ phải thồ đồ đi phía trước, hướng dẫn viên đi kèm phía sau, lượt về thì các tay máy cũng mệt mỏi và hết cảm hứng, hầu như không ai chụp gì, chỉ còn chăm chú vào việc đi của riêng mình). Chặng đi, porter phải mang đồ khá nhiều, tất cả thực phẩm, nước uống cho 14 người trong 2 ngày, họ phải đi trước, đến điểm dừng trước để nấu ăn. Chặng về không còn nhiều đồ nữa nên porter chủ yếu mang đồ cho mọi người trong đoàn. Làm nghề này thì không phân biệt nam, nữ, lớn, bé, già, trẻ, thôi thì đủ cả. Bữa tớ đi có rất nhiều đoàn khác nhau, và mỗi đoàn thì có người dẫn đường, porter riêng. Trên đường đi nhóm tớ đã gặp rất nhiều porter của các đoàn khác nhau, chẳng hiểu sao porter của nhóm tớ toàn nam và trẻ tuổi. Phần sau tớ sẽ kể thêm về người porter nhỏ tuổi nhất của nhóm mà tớ và Bs gọi một cách thân mật là "cháu Dê".
     Các bạn không còn lạ gì nữa, cũng như lượt đi, tớ và Bs suốt chặng về hầu như luôn nằm trong tốp cuối. Bs mặc dù tập gym rất dữ, nhưng do chuẩn bị giày không tốt, nên hầu như đã đuối sức ngay từ đầu chặng về. Rất tiếc là các tay máy không chụp lại cảnh 2 cụ "bết xê lết" đến mức suýt phải để cháu Dê cõng xuống (đúng là quá thiếu xót khi không ghi lại được hình ảnh cháu Dê, phải rút kinh nghiệm nhưng có còn cơ hội để sửa chữa nữa đâu!). Hầu như suốt chặng về, tớ và Bs luôn được kèm cặp bởi cháu Dê - porter nhỏ tuổi nhất - một "cậu bé" người H Mông cực khỏe và nhanh nhẹn. Mỗi lần lên dốc, Bt được cậu bé lôi lên, xuống dốc cậu đỡ hoặc lôi xuống, nhiều đoạn tớ mệt đến nỗi không cả bước nữa, cứ để cậu bé lôi xềnh xệch. Ơn trời là vẫn còn chưa bị cõng xuống, chứ nhóm tớ đã gặp ít nhất 3 lần du khách được porter cõng trên lưng xuống núi. 
     Trên đường thỉnh thoảng tớ cũng trò chuyện với cháu Dê, Dê bằng tuổi Bảo Ngọc nhà tớ, tuổi Dê, nó bảo đối với bọn cháu, đi thế này là chuyện bình thường hàng ngày, để đi từ trạm Tôn 1900 m đến đỉnh 3143 m (15km), Dê chỉ đi một mạch, khoảng 4giờ là xong, chả phải nghỉ ngơi gì cả. Điều làm tớ thấy lạ là trông Dê người thấp bé, cao hơn tớ một tý và cũng hoàn toàn không mập, giỏi lắm chắc cũng chỉ 55 ký. Dê bảo: "Cỡ chú Sơn 72-73 ký, cháu cõng ngon lành, có điều chân chú dài nên hơi khó cho cháu một tý...". Dê cũng đã từng cõng người hơn 70 ký xuống núi, điều đó tớ không hề nghi ngờ nhưng điều "khó tin" nhất trong câu chuyện về Dê là chỉ với từng đó tuổi đầu, cu cậu đã có vợ và là cha của hai đứa nhỏ, một đứa còn ẵm ngửa, đứa lớn 3 tuổi. Các bạn thấy Dê "siêu" chưa? Để rồi xem trong đám con cái chúng ta ai sẽ so sánh được với Dê và bạn nào là người sẽ có cháu trước tiên ...

    Sapa - ở độ cao 1500m - là "lãnh địa vàng" của người H Mông. Rải rác xung quanh thị trấn là những bản làng quây quần bên sườn núi, mùa xuân có hoa ban và hoa mơ hoa mận nở trắng, có nhà sàn vách gỗ, có vườn cây xanh tươi hoa trái và vật nuôi quanh nhà. Ngày xuân ngày hội trai gái đón đưa nhau ... Và nổi bật lên trong khung cảnh ấy là màu da trắng, sắc môi hồng, là ánh mắt bổi hổi bồi hồi của lũ con gái tuổi dậy thì. Vào mùa lúa, ruộng bậc thang chín vàng trải dài tít tắp mà người vẫn đói, nhiều người đã bỏ nương dẫy để ngày ngày gùi đồ đưa khách leo Fansipan. Dê còn kể nhiều nữa nhưng tớ không nhớ hết vì mệt ơi là mệt, thở cả ra đằng tai ... Ở nơi chôn rau cắt rốn của mình người H Mông rất khỏe,  chả bệnh tật, ốm đau gì, nhưng nếu có việc xuống Lào cai vài ngày là có chuyện ngay. Dê bảo "Chỉ ở Lào cai vài bữa là cháu thấy người yếu hẳn, không còn khỏe như ở Sapa hay trên núi ..." Có lẽ họ không làm quen nổi với đám vi trùng, virus và giun sán của người kinh. Hồi tớ đi Tây tạng, trên độ cao 3500m - 5000m, người dân tộc ở đó cũng rất khỏe, mình thì lúc nào cũng mệt, khó thở, và chỉ cần lên cầu thang một vài bậc là thở dốc, nhưng mấy người Tây tạng thì chả có vấn đề gì, ngược lại nếu thả họ xuống đồng bằng thì họ cũng gặp "rắc rối" y như khi mình lên cao ấy. Thế mới biết ở đâu quen đấy, họ là họ, mình là mình, chỉ đơn giản thế thôi.

    Rất tiếc là khi "cán đích" chặng về, chẳng ai còn chụp được tấm ảnh nào vì lúc đó ai cũng "phờ râu trê", lúc ấy mà lên ảnh hẳn sẽ thú vị lắm. Trời lúc đó cũng vừa vặn sập tối, ai ai cũng vội, phải mau chóng chạy, nên không có ảnh là chuyện đương nhiên và bây giờ không ai còn có thể hình dung ra ''bộ mặt mệt phờ" của mình lúc đó như thế nào, Còn trên đường đi thì khỏi nói lại, có rất nhiều cảnh đẹp nhưng nguy hiểm, và các tay máy ai cũng phải lo việc đi của chính mình, đúng ra là luôn phải vượt chướng ngại vật, nên chả tác nghiệp được nhiều.

    Nhóm về được đến trạm Tôn lúc 18g, ơn trời xe ô tô đã chờ sẵn và phi thẳng về khách sạn trong làn sương mù mịt, tầm nhìn rất hạn chế. Sau khi trút bỏ bộ đồ quá kinh khủng do bùn đất, sình lầy, ba đứa Sài gòn đi muộn đến sau lại tức tốc phi tiếp ra xe để kịp xuống Lào cai đi chuyến tàu 20g15 về Hà nội. Vốn giàu kinh nghiệm xoay sở và hôm đó lại gặp may nên tớ đã có được 3 vé nằm khoang hạng nhất, máy lạnh êm ru, ga sạch trắng tinh và cuối cùng thì sau hai đêm mất ngủ với bao gian nan cực nhọc, tớ đã ngủ một mạch ngon lành, chỉ kịp thức dậy đúng lúc tàu đã vào nội thành Hà nội. Đoạn này sẽ là cái kết có hậu nhất sau chuyến leo núi, nếu như chỉ ít phút sau đó khi vừa đặt chân xuống ga Hàng cỏ, Bs không phải vội vàng phi tiếp ra sân bay Nội bài để kịp bay chuyến 8 giờ vào lại Sài gòn, chuẩn bị cho vụ họp hành ở công ty. T và cậu em Hưng thì ung dung hơn, chiều mới bay, sáng và trưa đó còn vui vẻ tụ tập ở chỗ Long Thủy.

    Đến đây nếu ai đó trong các bạn hỏi tớ về một "Kỷ niệm khó quên" của chuyến đi, thì câu trả lời của tớ chỉ đơn giản là "Đường về". Nghe qua có vẻ rất "vu vơ" nhưng quả thật mỗi bước chân trên đường về đều thực sự đáng nhớ, và điều đó không chỉ riêng đối với tớ. Các bạn cứ hình dung, để đi lên đỉnh, ta phải rất nhiều lần trèo lên, bò xuống, và cứ mỗi lần vượt qua một dốc cao, hay băng qua một vực sâu thì ngay lập tức ta lại cảm thấy ớn lạnh, khi nghĩ chỉ vài giờ nữa thôi, mình sẽ phải gặp lại chính đoạn đường này, chính con dốc này và ý nghĩ đó tạo ra cảm giác sợ hãi. Việc chinh phục được đỉnh cao quan trọng một, thì "chinh phục điểm xuất phát" - cụm từ nghe tức cười phải không? - quan trọng mười. Mọi sức lực, hứng khởi khi chinh phục được đỉnh đã không còn khi ta bắt đầu hành trình trở về. Đó thực sự cũng là một thử thách rất ghê gớm. Để có sức lực, bạn phải thật gan lỳ và cần rất nhiều ý chí, nếu bạn muốn trở về và cần phải trở về ... 

Chiến thắng
Chiến thắng

 

Sài gòn 17.11.2012
  Băng Thanh.


PS: Trong bài phóng sự có sử dụng một số ảnh từ nguồn dưới đây. Cảm ơn bạn Châu và các bạn thành viên trong đoàn.

 
(*) 3144,50m là tổng chiều cao của Bt và đỉnh Fansipan.